Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2012

Đã là người Việt thì hầu như ai cũng có kỷ niệm gắn liền với món ăn đường phố. Thậm chí ăn ngoài phố, vỉa hè từ lâu đã trở thành một thói quen không hề khắt khe và vô cùng thú vị đối với mọi lứa tuổi.

Có lẽ không nơi đâu có được sự phục vụ thân thiện như quán vỉa hè, nơi đó người ăn không khe khắt, người bán cũng chẳng đòi hỏi quá cao. Quán ngoài đường không cần quảng cáo mà tên tuổi đã gắn liền với tên món ăn…
Từ gánh đến xe
xe đẩy thức ănNói đến món ăn đường phố thì không thể nói hết một ngày một bữa, đó là một thế giới ẩm thực dân dã đặc biệt. Và không phải ngẫu nhiên mà người ta có thói quen chọn ăn quà ngoài phố, dễ thường có cầu mới có cung. Đầu tiên có thể kể về hàng gánh. Với gánh hàng kĩu kịt trên vai, người bán vừa đi vừa rao dọc các con phố, luồn lách vào tận hẻm sâu. Hàng đem bán đôi khi chỉ là dăm củ khoai mì, vài quả cóc, bịch chuối khô hay vài ốp bánh tráng muối tôm, một nồi tào phớ, một xoong cháo sườn hoặc vài niêu cơm rượu… nhưng đó là những món ăn đặc trưng của từng vùng miền. Người thường ăn quà vặt chỉ nhìn vào đôi quang gánh đầy ắp số hàng hóa kia là có thể nói lên được quê người bán ở đâu, người bán hàng ở khu phố nào, miền nào. Miền nào thức nấy, đó chính là sự hấp dẫn của các món ăn đường phố.
"...Tâm lý người ăn đôi khi cũng mâu thuẫn, người thì chọn không gian yên tĩnh kẻ lại ưa thích sự náo nhiệt ồn ào, vì vậy mà hình thành thói quen ngồi quán cóc vỉa hè. Thêm vào đó có cảm tưởng rằng hình như chỉ ngồi quán vỉa hè, người ta mới cho phép mình trút bỏ hết mọi rào cản suy nghĩ, lối sống và vai vế trong xã hội... "
Không chỉ có những gánh hàng rong mang món ăn vặt đi khắp thị thành, những chiếc xe kéo, xe đạp, xe đẩy tự chế cũng làm phận sự mang hàng ăn đi khắp nơi. Quen thuộc đến nỗi người muốn ăn chỉ cần đứng đợi ở góc phố nào đó, đúng giờ đó hàng quán lưu động kia sẽ xuất hiện. Sự chờ đợi đôi khi lại chính là hạt nêm cho món ăn thêm đậm đà và giữ lại hoài trong ký ức. Chưa chắc các món ăn mong đợi đó đã ngon nhưng độc đáo và nhớ mãi lại là sự khao khát được nếm lại hương vị của quê nhà, của một thời đã qua.
gánh hàng rong
Cũng không phải tình cờ mà thực khách duy trì thói quen ăn ngoài phố. Từ gánh hàng rong cho đến những quán ăn có đẳng cấp, thôi thì đủ các món, bao giờ cũng chọn những nơi có phố xá rộng rãi, vỉa hè thông thoáng tiện lợi cho thực khách tạt ngang vào hoặc chí ít vỉa hè cũng đặt được dăm chiếc bàn lộ thiên. Cái sự mát mẻ của khí trời, thoáng đãng của không gian, náo nhiệt của phố phường là ngọn lửa tiếp thêm cho các món ăn ấy.

Âm thanh cuộc sống Một trong những thú ăn ngoài đường phải nói đến là sự thoải mái hưởng thụ mọi âm thanh cuộc sống. Có ngồi vỉa hè ăn tô cháo lòng, ngắm dòng người qua lại mới thấy hết cái sự thong thả của ẩm thực vỉa hè. Có phải vừa che đầu vừa bưng bê đĩa gỏi cuốn chạy vào hàng hiên trú mưa mới thấy hết cái sự vất vả mà… vui của món ăn đường phố. Còn nhiều lắm những điều thú vị của ngồi ăn ngoài đường. Một khu phố ăn uống quy mô bao giờ các bàn ăn ở phía ngoài đường cũng được thực khách chọn ngồi đầu tiên. Những quán ăn nào có nhiều không gian mở nhất đều được nhớ đến như một địa điểm thư giãn đặc sắc.
ăn vỉa hè

Tâm lý người ăn đôi khi cũng mâu thuẫn, người thì chọn không gian yên tĩnh kẻ lại ưa thích sự náo nhiệt ồn ào, vì vậy mà hình thành thói quen ngồi quán cóc vỉa hè. Thêm vào đó có cảm tưởng rằng hình như chỉ ngồi quán vỉa hè, người ta mới cho phép mình trút bỏ hết mọi rào cản suy nghĩ, lối sống và vai vế trong xã hội. Ai cũng như ai, thân thiện và bình dị như hàng xóm láng giềng.

Thương hiệu đặc biệt

Những người thích ăn hàng ở phố có lẽ sẽ quen thuộc với những hàng quán nổi tiếng như khu ẩm thực Nguyễn Thái Bình, khu ăn ốc chợ đêm Bến Thành, khu sủi cảo Ngô Quyền,... ở Sài Gòn hay khu bún ốc Hồ Tây, khu ốc cay - nghêu sò - nem chua Giảng Võ, bánh đa trộn Bà Triệu, hàng bún Lê Ngọc Hân, chè xoài Nguyễn Trường Tộ và gần đây có thêm bún chửi Ngô Sĩ Liên… ở Hà Nội. Ngẫm nghĩ không ở đâu có được sự phục vụ bình dị như quán vỉa hè, nơi đó người ăn không khe khắt, người bán cũng chẳng đòi hỏi quá cao. Quán ngoài đường cũng chẳng cần quảng cáo mà tên tuổi đã gắn liền với tên món ăn, thực khách tuổi nào cũng đã không ít lần tự đặt tên cho hàng ăn đường phố.
bánh đa trộn
Đôi khi hình dáng của người bán cũng làm nên thương hiệu, ví dụ như quán bà V. mập, quán ông T. râu, quán chú S. đầu bạc… Vỉa hè còn là nơi xuất phát những kiểu cách chạy bàn độc đáo hoặc những câu nói bất hủ kiểu “15 nghìn một bát ăn mấy bát thì tự tính ra tiền”! Người ta chọn ăn ngoài phố không chỉ vì ngon, bổ, rẻ trong thời giá đắt đỏ mà còn vì một thói quen không bỏ được của tình yêu cuộc sống: lắng nghe phố xá thị thành.

Quả thật không sai khi nghe khách sành điệu ẩm thực thốt lên: “Người ta đã bê món ngon khắp nơi vào Sài Gòn!”. Thật vậy, nơi đây quy tụ những món ăn mọi miền đất nước. Thực đơn của Sài Gòn sáng, trưa, chiều, tối có đầy đủ các món ăn Bắc, Trung, Nam từ bình dân đến sang trọng.

Là trung tâm của vùng đất phương Nam trù phú, sản vật dồi dào, nên ở Sài Gòn món ăn rất đa dạng. Lại thêm là nơi hội tụ của cư dân từ mọi miền đất nước và cửa ngõ tiếp xúc với thế giới bên ngoài, nên thành phố đã tiếp nhận thêm các dòng ẩm thực của cả nước và thế giới, chọn lọc tinh hoa thành một nền ẩm thực phong phú và hấp dẫn. Ngày nay, người ta dễ dàng tìm thấy ở Sài Gòn vô số đặc sản Bắc, Trung, Nam hay quốc tế, theo đúng nguyên bản cũng có, nhưng phổ biến hơn vẫn là những món đã được “Sài Gòn hóa” để hương vị thêm phong phú, đậm đà. Chất Sài Gòn thường thể hiện ở vị ngọt, nhiều rau xanh và nhiều thủy hải sản tươi sống. Chẳng hạn như món canh chua Sài Gòn đã kết hợp cả cái chua- mặn của miền Bắc, cái cay nồng ớt tươi của miền Trung và cái ngọt xởi lởi của miền Nam. Món bún bò Huế được “cải biên” để bớt cay, thêm ngọt, thêm béo và thêm rau. Món bò bít tết của phương Tây thì mỏng hơn, chín hơn, nhiều gia vị hơn và kèm rau sống, đồ chua nhiều hơn…

Đặc sản Miền Nam

Miền Nam, với nhiệt độ ôn đới nên các loại thức ăn đa dạng và phong phú quanh năm. Các món ngon luôn “hiện diện” khắp nơi ở Sài Gòn như: canh chua, cá kho tộ, cá lóc nướng trui, lẩu mắm Châu Đốc, hủ tiếu Mỹ Tho, tôm lụi Bạc Liêu, nấm tràm Phú Quốc….có những món mà khó có thể tìm thấy nơi khác.

alt
Ảnh: gocbep.net
Món ăn Trung Bắc

Vào ban đêm, những món ăn xứ Huế, xứ Quảng náo nhiệt hơn ban ngày. Với các món bún bò giò heo, bánh ướt cuốn thịt, bánh khoái, bánh nậm, bột lọc, mỳ Quảng… cứ nối tiếp nhau bán từ 19h đến khuya, lúc nào khách cũng đông ngồi kín chỗ. Còn các món ăn xứ Bắc cũng có nhiều ở Sài Gòn. Món ăn của Hà Nội là chả cá, bánh tôm Hồ Tây, miến lươn… cũng khá hấp dẫn. Nhìn những vị khách ngoại quốc xì xụp húp miến lươn hay cắn trái ớt với cà pháo giòn tan chấm mắm tôm dưới ánh đèn đêm ta cảm thấy một niềm đồng cảm. Vào Chợ Lớn, món ăn được khách hàng tâm đắc là “heo sữa quay” kiểu Hàng Buồm Hà Nội, da nổi hoa vừa giòn vừa béo ngậy. Sau món quay là những món nướng tức món “quanh lửa hồng”. Gà, vịt, cừu, bò, cá lóc đều có thể nướng sau khi ngâm tẩm ướp đủ thứ gia vị cần thiết. Gà thì nướng vỉ, nướng ngói, tôm càng nướng nguyên con; thịt ba chỉ thái nướng xiên thành chả; cá lóc nướng lá chuối. Người ăn có thể vừa gắp vừa nướng, vừa ngửi mùi thơm. Ở bất cứ đâu trên đất Sài Gòn, thực khách cũng có thể tìm thấy cho mình các món ngon nổi tiếng của xứ Bắc như: Phở Hà Nội, Chả cá Lã Vọng, Bánh cuốn Thanh Trì, Cốm Vòng, bún thanh, bún chả, bánh tôm Hồ Tây, dưa hành…

alt
Ảnh: muivi.com
Các món ăn “Tây”

Quả thật, ở Sài Gòn ngoài tất cả các món ngon Việt của ba miền Trung Nam Bắc, chúng ta còn có thể thưởng thức các món ngon Hoa, Ấn, Nhật, Hàn, Thái, Ý, Tây Ban Nha..., và nhất là các món Pháp nổi tiếng thế giới, bên cạnh thịt nướng Tiệp Khắc, xúc xích Đức, hamburger Mỹ, caviar Nga hay Iran… là đủ các loại rượu và bia ngon nhất hoàn cầu. Tập trung các khu như phía tây Phạm Ngũ Lão, khu Phạm Văn Hai; Trường Sơn với món ăn Hàn, khu Thái Van Lung với các món ăn Thái.

alt
Ảnh: diendanlequydon.com

Kho tàng ẩm thực Sài Gòn

Ngày nay, người Sài Gòn vẫn không ngừng sưu tầm để bổ sung vào thực đơn của mình những món ăn đã một thời bị quên lãng cũng như những món mới từ khắp bốn phương trời. Nói như Lê Văn Hảo : “Ẩm thực Sài gòn có tính thế giới, tính tứ xứ (cosmopolite) của nó. Nhưng tính chất thứ hai của nó lại là sự đón nhận trân trọng kho tàng văn hóa ẩm thực truyền thống của dân tộc. Bằng chứng là chẳng cần ra Trung hay ra Bắc người Sài Gòn nếu muốn thì có thể vui vẻ thưởng thức phở Bắc, chả cá Hà Nội, bún bò Huế, nem tré Huế, mì Quảng, cao lầu Hội An, v.v., bên cạnh những món ngon Nam Bộ bất hủ như canh chua, cá kho tộ, cá lóc nướng trui, lẩu mắm Châu Đốc, hủ tiếu Mỹ Tho, tôm lụi Bạc Liêu, nấm tràm Phú Quốc và nhiều nữa”.

alt
Ảnh: chudu24.com
Suy cho cùng ẩm thực Sài Gòn là sự pha trộn giữa các vùng miền, giữa món Âu và món Á. Tất cả những đặc trưng của xứ khác được hòa lại tạo nên ẩm thực Sài Gòn. Có lúc bạn bè của tôi ở nơi xa đến, bọn chúng muốn mình tìm một quán ăn nào đó “rất Sài Gòn” để cho xứng với chuyến đi đến Sài Gòn này, nhưng rồi cuối cùng lại vào ăn phải những món mà... xứ nó cũng có. Tất cả các quán ăn không quá đặc trưng, thực phẩm thì na ná nhau. Nhưng quả thật sự không giống ai đó lắm lúc làm người ta cứ ngẩn ra thích thú vì ngộ. Cho nên thật không có gì quá đáng khi nói rằng ẩm thực Sài Gòn thuộc loại hàng đầu trong cả nước.

Xin đừng quên thưởng thức những món ngon Sài Gòn khi đến với Thành phố này.
Cá hồi được xem như món ăn giàu dinh dưỡng và rất tốt cho cơ thể. Có rất nhiều cách để chế biến cá hồi nhưng với các bạn không có thời gian mà lại muốn thay đổi thực đơn ngon cho cả gia đình thì món cá hồi nướng nghệ sẽ rất phù hợp.

Nguyên liệu
  • 2 hoặc 3 lát cá hồi
  • Gia vị: muối, đường, tiêu, ớt, hạt nêm, bột nghệ.
Cách làm:

  • Cá hồi rửa sạch, lau khô để ráo.
  • Pha trộn gia vị: 1 muỗng muối, ½ muỗng hạt nêm, chút tiêu, 2 muỗng nhỏ bột nghệ, ½ muỗng ớt (nếu dùng ớt trái thì băm nhỏ trộn đều), 1 muỗng nhỏ đường.
  • Trộn đều gia vị sau đó ướp vào cá khoảng 15 phút.
  • Xếp cá vào khay nướng, nướng ở nhiệt độ 180°C trong khoảng 20 - 25 phút là được.
Chúc các bạn thành công và ngon miệng!

Thứ Tư, 24 tháng 10, 2012


Vào những ngày đầu đông, se se lạnh mà được cùng bạn bè ngồi quây quần cùng nhau ăn các món đồ nướng, quay thì thật là tuyệt vời. Và món khoái khẩu của tớ là Vịt quay đấy các bạn ạ, bạn thử tưởng tượng miếng thịt vịt màu vàng ruộm cắn một miếng giòn rụm nơi khoang miệng đủ để cảm nhận vị ngọt béo mà không hề ngậy bởi vị ngọt, đậm và sẽ khiến bạn vô cùng nghiền đấy nhé.

Nói đến mấy em gà, vịt thì rất phổ biến ở Việt Nam rồi phải không nào và là thực phẩm phù hợp với rất nhiều người. Là một món ăn khá phổ biến thường có trong thực đơn các quán ăn hay nhà hàng, nhưng để có được món Vịt Quay Tứ Xuyên ngon đúng điệu thì không phải địa chỉ nào cũng đáng tin cậy để bạn hoàn toàn yên tâm về dịch vụ hoàn hảo. Món này khá phổ biến, các nguyên liệu cũng rất dễ mua, thậm chí dọc vỉa hè có rất nhiều điểm bán với giá bằng giá bạn ăn tại quán hay nhà hàng đấy.
Vịt quay tứ xuyên
Mặt tiền của Quán
Hầu hết ở Việt Nam mình các ngày lễ, tết là rất hay tụ tập ăn uống và việc kiếm tìm địa chỉ ăn vừa ngon lại phù hợp túi tiền là không hề dễ và chúng tớ cũng thế đấy 20/10 vừa rồi chúng tớ vừa mới khám phá được một món Vịt Quay Tứ Xuyên vô cùng hấp dẫn trên Phố Giảng Võ. Nói đến Vịt Quay là tớ lại thèm được một bữa offline cùng bạn bè ngay nhưng cũng kịp viết lại cảm nhận về quán để cùng chia sẻ cho anh em cùng khám phá một địa chỉ ẩm thực mới tại Số 7 - Giảng Võ (Đối diện cổng ra của bến xe Kim Mã).
vit quay tu xuyen
Bước vào quán nhìn thấy bàn ghế sạch sẽ, lịch sự, không gian thoáng đãng, cách bài trí bắt mắt là chúng tớ có ngay cảm giác thật sự yên tâm rồi đấy. Vì đang đói nên chúng tớ ngồi ngay tại tầng 1, rộn rã phía trên tầng 2 từng nhóm khách hàng cũng đang ăn uống vui vẻ vô cùng nhộn nhịp, ấm cúng. Đối diện ngay với bàn chúng ta là tấm biển in Thực đơn rất to được treo ngay ngắn trên tường, để bạn có thể dễ dàng lựa chọn bất kỳ món ngon nào tại Quán. Thấy chúng tớ đang boăn khoăn chọn món anh chủ nhà hàng đã ra hỏi thăm và gợi ý lựa chọn đồ ăn vì chắc biết chúng là khách lần đầu tới quán mặc dù quán đang đông nghịt nhé.
Vịt Quay vàng ruộm thơm ngon, hấp dẫn
Đến quán vịt thì phải ăn vịt quay thôi chứ còn chần chừ gì đúng không nào, đầu tiên là món Vịt Quay Tứ Xuyên. Oa, anh Chủ Quán cười nói với mấy bạn nam nhóm tớ như giới thiệu: “ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, lấy vợ Nhật” với hàm ý nền ẩm thực Trung Quốc được đánh giá rất cao. Và trong nghệ thuật ẩm thực Trung Quốc thì món ăn tại Tứ Xuyên lại phổ biến nhất. Anh nhấn mạnh: “Thật là thiếu sót lớn nếu như Vịt Quay lại không được nêu tên trong menu các món ăn nổi tiếng của Tứ Xuyên”. Vừa ăn Vịt chúng tớ vừa được nghe anh giới thiệu. Vịt quay ngon phải là có lớp da chín màu bánh mật giòn rụm, khi ăn vịt béo mà nhưng lại tạo cho mình cảm giác không hề ngấy, chóng chán mà thịt bên trong mềm, có vị ngọt, đậm ăn kèm với nước chấm đặc trưng đã được chuẩn bị và pha chế theo công thức riêng của Quán. Theo anh, để chế biến thành công món Vịt quay thì không thể bỏ qua bất kỳ công đoạn nào và đều quan trọng như nhau từ khâu chọn nguyên liệu đến khâu tỉ lệ pha nước chấm. Nói đến cách thưởng thức thì nghe có vẻ hơi cao kỳ 1 chút xong dù bạn thưởng thức theo cách nào thì vẫn giữ nguyên được hương vị đậm đà của vịt quay nơi đây. Một suất vịt quay nóng hổi, giòn ngon chỉ với 120k/nửa con nhỏ và 135k/nửa con to, nhưng đủ làm vài người ăn ngang bụng đấy bạn nhé.

Nếu trứng vịt được đánh giá là có vị ngọt, tính mát, có tác dụng tư âm, giáng hỏa, thanh nhiệt, hóa đàm; dùng chữa bệnh ho khan, ít đờm, ho do phế âm hư. Còn thịt vịt tính hàn, có tác dụng tư âm, dưỡng vị. Chúng tớ còn được biết "Thịt vịt chữa các chứng bệnh tiểu tiện bất lợi, nhiệt bệnh, hư lao; bổ ngũ tạng và thủy đạo. Nên chọn các loại vịt đực đầu xanh hoặc vịt lông trắng, xương đen, mỏ đen càng tốt." Oa, đi ăn Vịt, ngoài hương vị đặc biệt vịt quay, vừa được ăn ngon lại là món ăn có lợi cho sức khỏe đặc biệt là tim mạch thì còn gì phải đắn đo nhỉ. Nhìn con vịt thật hấp dẫn với màu da nổi màu cánh gián giòn tan, dậy mùi thơm đặc trưng của vịt quay, thịt mềm, ngọt đậm, chấm với nước chấm ngọt ngọt, cay cay (được lấy từ bụng con vịt ra nêm với gia vị và chế biến theo công thức riêng của Quán) sẽ đánh thức bất kỳ giác quan nào của bạn.
Trước những món ăn “lạ mà quen” tại quán Vịt Quay Tứ Xuyên và vì anh chủ nhà hàng nhiệt tình mà chúng tớ đã có một cuộc trò truyện dài để khám phá các món ngon tại đây. Không chỉ đầu tư kỹ lượng thời gian học tập tại cái nôi của nơi sản sinh món Vịt quay này, anh có bôn ba làm đầu bếp ở một vài nước châu Âu như Đức để khám phá và tìm hiểu để kết hợp, nghiên cứu tìm ra công thức cho phù hợp với khẩu vị của người Việt đặc biệt là với thực khách Hà Thành. Với mong muốn được đưa ẩm thực Tứ Xuyên đến với người dân Hà thành và mở rộng thị trường kinh doanh chủ nhà hàng luôn cam kết vệ sinh an toàn thực phẩm và chất lượng dịch vụ luôn là số 1. Anh luôn quan niệm, mình ăn thế nào, gia đình mình ăn thế nào thì thực khách cũng vậy, chính vì thế hầu hết các món ăn tại Quán không hề có sự góp mặt của các chất phụ gia, hóa chất hay phẩm màu độc hại trong món ăn. Tại quán, hầu hết các món ăn đều do anh trực tiếp thực hiện, chỉ đạo và anh luôn tâm niệm “Ngon – Sạch – Bổ”.
Ngược thời gian lại ngày 20/10 hôm ấy, chúng tớ thực sự có một buổi offline đúng nghĩa, được thưởng thức các món ngon, bổ và giá thành thì không thể hợp lí hơn. Món thứ 2 mà chúng tớ thưởng thức là món Salad vịt quay ngon tuyệt cú mèo. Đơn giản, chỉ là salad thôi sao mà hấp dẫn đến vậy nhỉ? Một trải nghiệm vô cùng thú vị đấy và còn rất nhiều món ngon khác như: Vịt xông khói, vịt xông trà xanh, vịt om măng, lưỡi vịt chiên giòn… đang chờ bạn khám phá đấy. Và món Xôi Vịt không thể thiếu sau buổi ăn uống là rinh ngay một suất về nhà để ăn tiếp đấy nhé!
Suất cơm vịt quay
Đặc biệt, chỉ với 45k/suất cơm vịt quay thôi là bạn đã có thể no căng bụng với món vịt giòn kèm với cơm gạo dẻo, thơm rồi. Không phải là quá đắt cho một bữa ăn ngon lạ, khó cưỡng này phải không nào?
Chúng tớ đã kết thúc một buổi tối bất ngờ với những món ngon tưởng chừng “quen mà lạ” tại Vịt Quay Tứ Xuyên với giá rất ổn khi một nhóm đi ăn với chi phí chỉ 100k/1 người. Chúng tớ đã rất "kết" địa chỉ này rồi đấy, còn bạn thì sao hãy tự mình cảm nhận và đánh giá nhé! Đặc biệt, Quán có dịch vụ giao hàng miễn phí trong nội thành Hà Nội, giờ thì chỉ còn cách bạn 1 cuộc điện thoại thôi đấy.
Chúc bạn có những trải nghiệm thú vị tại Vịt Quay Tứ Xuyên!
Địa chỉ cho bạn:
Quán Vịt Quay Tứ Xuyên 
Địa chỉ: Số 7 – Giảng Võ – Ba Đình – Hà Nội (Đối diện cổng ra của bến xe Kim Mã)
Điện thoại: 04 6680 3964 – 0973 652 789
Nguyễn Như Vân - Amthuc365.vn
Nguồn: Nhà hàng cung cấp

Trong ẩm thực, sự kết hợp giữa nấm và thịt bò luôn tạo ra những món ăn hoàn hảo. Cùng Amthuc365.vn vào bếp chế biến món ăn ngon miệng này nhé!

Nguyên liệu:
  • Thịt bò: 200g
  • Nấm kim chi: 1 gói
  • Nấm hương: 10 tai
  • Cần tây: 2 nhánh
  • Cà rốt: ½ củ
  • Hành hoa:
  • Hành, tỏi khô: 1 củ
  • Gia vị: dầu ăn, bột nêm, mì chính, dầu hào.
Cách làm:
  • Nấm hương ngâm nở cắt đôi, nấm kim châm cắt phần rễ rửa sạch, cà rốt gọt vỏ tỉa hoa thái mỏng, cần tây, hành hoa cắt khúc, hành, tỏi đập dập băm nhỏ.
  • Thịt bò rửa sạch, thái miếng mỏng.
  • Ướp thịt bò với hành tỏi khô cùng 1 thìa dầu hào, ½ thìa bột nêm.
  • Trộn đều hỗn hợp.
  • Xào xơ qua thịt bò với một chút xíu dầu ăn rồi múc ra đĩa.
  • Tiếp tục xào cà rốt với nấm.
  • Khi gần ăn cho thịt bò vào xào cùng. Xào với lửa to.
  • Cuối cùng cho cần tây, hành hoa vào đảo đều, nêm mì chính rồi cho thịt bò xào nấm ra đĩa.
Chúc các bạn thành công và ngon miệng!

Thứ Năm, 18 tháng 10, 2012

Gừng là gia vị quý trong ẩm thực giúp bữa ăn thêm ngon miệng. Không chỉ vậy củ gừng còn có tác dụng chữa cảm sốt rất hiệu quả.

Dưới đây là một số mẹo dùng gừng để trị bệnh thường gặp như:
Kiết lỵ ra máu: Dùng củ gừng khô sao trên lửa cho đến khi gần cháy thành than rồi đem tán nhỏ hòa với nước cơm hoặc nước cháo, uống mỗi ngày một ít.
Đi tiêu chảy: Củ gừng tươi đem sấy khô rồi tán nhỏ, hòa với nước cơm uống hàng ngày.

Nôn mửa: Xắt một lát gừng tươi cho vào miệng ngậm và nhấm nháp cho đến khi hết cảm giác buồn nôn thì thôi.
Cảm lạnh rét run: Lấy 10gr gừng tươi giã nát rồi hòa với nước sôi. Sau đó lọc lấy nước bỏ bã gừng và cho thêm 10gr đường trắng, khuấy đều. Uống hỗn hợp này khi nóng và đắp mền kín cho ra mồ hôi.
Đối với trường hợp cảm sốt do thời tiết lạnh: Lấy củ gừng tươi giã nhỏ rồi tẩm rượu, sao cho nóng lên. Sau đó cho gừng vào một tấm vải cột chặt lại dùng để xoa lên người đánh gió toàn thân.
Cảm cúm, sốt, nhức đầu, ho, nghẹt mũi: Dùng 15gr gừng tươi, 10gr hành trắng (hành tây, lấy cả củ, rễ, lá). Cho tất cả vào sắc lấy nước uống, còn phần bã cho thêm nước, đun sôi lên để xông cho ra mồ hôi.
Lưu ý: Những người tạng nóng thường bị lở miệng, táo bón, ra mồ hôi thì không nên dùng gừng. Thông thường chỉ nên dùng trong một khoảng thời gian ngắn vì dùng thường xuyên sẽ khiến chảy nước mắt sống.

Thứ Hai, 15 tháng 10, 2012

Ẩm thực không chỉ đơn thuần là nhu cầu ăn uống nuôi sống bản thân hàng ngày của con người. Ẩm thực không chỉ cần ngon, không chỉ là một nhu cầu hưởng thụ, mà ẩm thực cũng là một lối sống, một cách để giữ gìn sức khỏe và nhan sắc. Ẩm thực Nhật Bản với hàm với lượng calo thấp, chất béo ít, có lợi cho sức khỏe với các nguồn thực phẩm tươi sống có nguồn gốc thiên nhiên đã giúp con người giữ gìn sức khoẻ và nhan sắc, trở thành một trào lưu được cả thế giới ưa chuộng.

Trong xu thế ấy, Nhà hàng Nhật - Hàn Sura Sushi trân trọng giới thiệu chương trình “Ẩm thực của Phái Đẹp” dành tặng chị em phụ nữ trong ngày tôn vinh phái Đẹp, ngày 20/10 năm nay.
Đây cũng là dịp để người đàn ông thể hiện tình cảm của mình với những người thân quý: đến mẹ, đến vợ, đến “một nửa yêu thương”, hay thể hiện sự tri ân đến đối tác, đồng nghiệp. Một bữa tiệc đầm ấm trong không gian sang trọng, ấm áp, gần gũi, thân thiện của Nhà hàng Nhật Hàn Sura Sushi sẽ là một món quà tinh thần ý nghĩa…
Ẩm Thực và Phái Đẹp
Góc không gian Nhà hàng Sura Sushi
Bạn có thể lựa chọn những món ăn trong thực đơn của chương trình “Ẩm thực của phái Đẹp” do các đầu bếp “tinh tuyển” dành cho phái Đẹp. Các món ăn không chỉ ngon miệng, đẹp mắt mà còn thanh mát, rất tốt cho sức khỏ, phù hợp với phái Đẹp như: Đậu xanh Nhật luộc muối, Salad rong biển tươi, Sashimi cá hồi, Bạch tuộc, Nấm xào tổng hợp, Cơm sushi cuốn rong biển kiểu California, Cơm rang cá hồi với trứng cua, Miso soup, Lẩu nấm bốn mùa…
Nếu như món salad rong biển được ví như là món quà từ đại đương, có tác dụng thanh lọc cơ thể, thì món đậu xanh Nhật luộc muối lại có vị ngọt, bùi, khởi đầu cho một bữa tiệc hoàn hảo. Tiếp đến là sashimi cá hồi, bạch tuộc không thể thiếu trong các bữa tiệc sang trọng của người Nhật. Cá hồi có hàm lượng axit béo omega, tác dụng chống bệnh tim mạch, giảm nguy cơ cao huyết áp, chống cholesterol, chống trầm cảm ở phụ nữ… Bạch tuộc được ví như một vị thuốc quý, có tác dụng bồi bổ sức khoẻ…
Món Sushi Califonia, cái tên rất “Tây” nhưng mang đậm phong vị Nhật. Vị dẻo thơm của gạo Nhật, quện trong nhân trứng ngọt, quả bơ, thanh cua và lớp rong biển rất đặc trưng.
Trong tiết trời mùa thu se lạnh, một suất lẩu nấm kiểu Nhật trong thực đơn “Ẩm thực của phái Đẹp” cũng là một gợi ý hay của người đầu bếp. Hay món nướng không khói kiểu Hàn - Rẻ sườn bò Mỹ nướng, thưởng thức tại bàn, thực khách sẽ cảm nhận được vị tươi ngon ngay tại bàn tiệc.

Tặng món ăn Nhật Bản và Hàn Quốc
Quầy Sake Nhật tại Sura Sushi
Đến với Nhà hàng Sura Sushi, từ ngày 18/10 đến hết ngày 20/10, Quý khách sẽ được thưởng thức món ăn ngon, phù hợp với tiết trời mùa thu Hà Nội, ưu đãi 20% khi chọn thực đơn “Ẩm thực của Phái Đẹp”. Ngoài ra, Nhà hàng Nhật - Hàn Sura Sushi còn dành tặng thực khách Voucher ẩm thực là món ăn Nhật Bản và Hàn Quốc cho lần đến sau. Các món ăn được tặng là: Tôm Tempura Nhật Bản, Salad rong biển tươi trứng cua đỏ, gỏi Bò Mỹ kiểu Hàn Quốc, Sashimi cá Hồi Nhật Bản…
Chắc chắn, địa chỉ ẩm thực xinh xắn và thú vị này của Hà Nội sẽ đem lại sự hài lòng cho Quý khách.

Địa chỉ cho bạn:
Nhà Hàng Nhật - Hàn Sura Sushi
Địa chỉ: Số 13, Lô 2C, phố Trung Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội
Hotline: 0988 202 202  Tel: 04 3783 5225
Website: http://www.surasushi.vn & http://www.facebook.com/SuraSushi



Thứ Năm, 11 tháng 10, 2012

Không biết từ bao giờ cá kho trở thành một món không thể thiếu trong ẩm thực Việt; vị mặn, bùi của cá cùng vị béo của thịt, thơm của riềng tạo nên món ăn ngon được mọi người yêu thích.

Nguyên liệu:
  • Cá nục: 1 con (500gr)
  • Thịt ba chỉ phần nhiều mỡ: 100gr
  • Riềng: 1 củ
  • Ca chua: 2 quả
  • Sả, gừng, ớt, lá nghệ (không cần thiết), đường vàng, hạt nêm, mắm, hạt tiêu, bột canh, tỏi, hành khô.
Cách làm:

  • Gừng và riềng rửa thật sạch đất cát, thái thành từng miếng mỏng, một phần nhỏ gừng thì băm nhỏ. Sả rửa sạch, phần gốc băm nhỏ, còn lại đập dập rồi cắt khúc. Ớt rửa sạch, đập dập. Cà chua rửa sạch, bổ múi cau.
  • Cá nục làm sạch, cắt khúc. Ướp cá với chỗ gừng, sả băm nhỏ và một ít hạt tiêu, hạt nêm, bột canh và 2 - 3 thìa ăn cơm nước mắm trong một cái hộp có nắp. Cho thịt đã được rửa sạch, thái vuông quân cờ vào hộp cá, đậy nắp rồi xóc mạnh sao cho cá, thịt và gia vị trộn đều vào nhau. Cho hộp cá vào ngăn mát tủ lạnh vài tiếng để cá ngấm gia vị.
  • Lấy cá từ tủ lạnh ra, vuốt cho sạch gia vị bám vào cá rồi đem rán sơ.
  • Gắp cá ra một cái đĩa, cho luôn thịt vào chảo vừa rán cá đảo cho thịt săn lại.
  • Xếp một lượt lá nghệ đã rửa sạch vào đáy nồi đất, rồi lần lượt đến riềng, sả, một ít thịt, cá. Trên cùng lại xếp một ít thịt còn lại, cà chua, ớt, vài nhánh tỏi và hành đã bóc bỏ vỏ. Cuối cùng là đổ phần nước ướp cá vào nồi rồi bắc nồi lên bếp đun cho đến khi cạn nước.
  • Đặt chảo lên bếp, cho đường vàng vào đảo thật đều tay. Đảo cho đến khi đường tan chảy hết và chuyển màu cánh gián thì cho lượng nước đủ để kho cá vào đun sôi.
  • Đổ nước hàng vừa đun sôi vào nồi cá, đun sôi trở lại thì vặn lửa ở mức nhỏ. Đun riu riu cho đến khi nước cạn là được (nếu chưa ăn ngay thì có thể đun cá đến khi nước cạn còn khoảng 1/3 mức nước ban đầu thì tắt bếp. Để cá nục kho riềng đến khi nào gần ăn thì cho cá lên bếp kho cho cạn nước. Vừa là làm nóng cá mà cá được kho lần 2 sẽ ngon hơn).
Chúc các bạn thành công và ngon miệng!

Thứ Tư, 10 tháng 10, 2012

Lễ hội ăn chay Phuket là một trong những sự kiện ẩm thực sắc màu nhất, được tổ chức trong 9 ngày vào tháng 10, dựa trên niềm tin của những người gốc Hoa rằng việc kiêng thịt trong tháng 9 âm lịch sẽ giúp họ khỏe mạnh về thể chất và tinh thần.

hông có tài liệu nào ghi rõ về nguồn gốc của lễ hội nhưng theo rất nhiều người, lễ hội được một nhóm hát opera người Hoa mang tới Phuket. Nhóm hát này mắc phải căn bệnh sốt rét khi tới Phuket. Họ quyết định theo một chế độ ăn kiêng khắc nghiệt và cầu khấn vị thần của chín vương quốc để mang lại sự trong sạch cho cơ thể và tâm hồn. Điều kỳ diệu đã xảy ra khi toàn bộ gánh hát lập tức khỏi bệnh.

Từ đó, một lễ hội ăn chay được tổ chức thường niên tại Phuket, Thái Lan và một số quốc gia có cộng đồng người Hoa trên thế giới.
Lễ hội được tổ chức ở 6 ngôi chùa chính ở Phuket. Ngôi chùa nơi tổ chức những nghi thức quan trọng nhất là Jui Tui, cách chợ đồ tươi sống không xa. Sự kiện đầu tiên là treo đèn lồng lên gậy, đánh dấu sự bắt đầu của lễ hội. Cây gậy này cao tới 10 mét, tượng trưng cho vị thần Hindu, Shiva. Trong những ngày tiếp theo, các gia đình Thái và Hoa mang các lễ vật và đèn, nến tới cúng bái tại các đền, chùa.
Diễu hành là các màn có tính tương tác cao nhất, vì khán giả cũng có thể dễ dàng tham gia vào. Du khách vừa ngắm nhìn những người diễu hành trong trang phục truyền thống, xem các màn biểu diễn rùng rợn và nếm các món chay ở các sạp hàng trên phố.
Có thể nói lễ hội ăn chay này là một trong những lễ hội độc đáo nhất đất nước với rất nhiều hoạt động khiến du khách không thể rời mắt: đi bộ trên lửa, dùng vật nhọn đâm xuyên qua cơ thể và rất nhiều màn biểu diễn liều lĩnh khác, chẳng khác nào các nghi lễ hiến tế lên các vị thần.
Gây tò mò và cũng rùng rợn nhất là màn đâm xuyên qua cơ thể. Phụ nữ và đàn ông dùng những vật nhọn như dao, kéo, xiên để đâm qua má. Họ tin rằng những vị thần Trung Hoa sẽ bảo vệ họ khỏi đau đớn và nếu có, chút đau đớn đó cũng không hề hấn gì.

Thứ Ba, 9 tháng 10, 2012

Chuyến đi xa nhất đầu tiên của mắm tôm chua Gò Công chắc là chuyến ra Huế theo nỗi nhớ của bà Từ Dụ Phạm Thị Hằng cách đây xấp xỉ khoảng 180 năm. Nhờ đó người dân nơi đây mới biết đến ẩm thực Gò Công.

Phải chăng cũng chính qua vị đại sứ ẩm thực của Gò Công này mà có phiên bản mắm tôm chua Huế. Thậm chí thương hiệu Huế nặng hơn Gò Công nên có người còn viết đại loại: mắm tôm chua Gò Công ngon không thua gì mắm tôm chua Huế. Nghĩa là lấy “con” làm chuẩn để so với “mẹ”. Thật là bất khả tư nghì kiểu sen từ bùn mà lớn lên lại õng ẹo tẩy chay bùn.

Mắm ở miền Nam mang một nét nghĩa khác hơn mắm nói chung. Chúng không còn là loại nước chấm nữa mà là những sản vật địa phương được cất ủ để dùng lâu ngày, vào những lúc không đang mùa sản vật ấy. Chúng là món ăn mà người dân miền Tây nào cũng đủ thẩm mỹ để cảm được cái ngon của chúng. Có khi phải giới hạn phát ngôn này, vì hiện nay nhiều người miền Tây ở Sài Gòn lứa tuổi 0x chỉ biết loại “mắm ăn liền” của Tây hơn là mắm miền Tây, nếu như ở nhà họ không được quy hoạch những ngày ăn mắm – một thứ mỹ thực rất khẩn hoang – trong thực đơn tuần của gia đình. Trong các món mắm ấy, mắm tôm chua Gò Công đứng vào hàng đỉnh. Nó được làm từ con tôm đất nước lợ ở cái xứ có câu ca dao buồn da diết: “Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng”.
Tôm tươi qua tuyển “nguyện vọng một” đem ngâm nước phèn chua, rồi sau đó ngâm khử rượu, cắt bỏ râu, đuôi. Và, đưa vào công thức chế biến riêng của từng nhà sản xuất. Trong cái công thức ấy quan trọng là các thảo vị tạo hương, tạo chua, tạo ngọt, tạo cay cùng với muối như là chất bảo quản.
Món tôm chua này có thể trộn thêm đu đủ hườm thái sợi, gia thêm các loại rau mùi, ớt, tỏi, dứa. Rồi cuốn bánh tráng rau sống với thịt đầu heo hoặc thịt ba chỉ thì đạt đến thập thành ngon.

Thứ Hai, 8 tháng 10, 2012

Trong ẩm thực Việt, những món ăn từ trai luôn có vị ngon riêng khó lẫn vào đâu được. Amthuc365.vn xin giới thiệu với bạn một món ngon chế biến từ trai.

Nguyên liệu:
  • Trai loại vừa: 1kg
  • Thịt lợn: 200g
  • Hành hoa (nếu có)
  • Lá gừng tươi: (20 - 30 lá)
  • Mộc nhĩ: 5 tai
  • Hành, gừng, tỏi, ớt
  • Dầu ăn, bột canh.
Cách làm:

  • Lá gừng, hành hoa rửa sạch.
  • Mộc nhĩ ngâm nở rửa sạch thái hạt lựu, hành, tỏi, gừng băm nhỏ.
  • Phi thơm hành, tỏi, gừng với dầu ăn, thêm một chút xíu bột canh sau đó cho mộc nhĩ vào xào qua.
  • Trai rửa sạch (nên ngâm qua nước gạo) rồi đem hấp cho mở miệng, lấy ruột giữ lại phần vỏ, lấy phần ruột trai thái hạt lựu.
  • Thịt lợn băm nhỏ.
  • Cho nhân trai vào cùng thịt lợn đã băm nhỏ.
  • Sau đó cho phần mộc nhĩ đã xào lên trên. Trộn đều sau đó nêm chút bột canh, mì chính. Ướp trong khoảng 15 phút.
  • Đặt hai lá gừng tươi vào vỏ trai (đã được cọ sạch), sau đó cho phần nhân vào. Làm như vậy cho đến hết nguyên liệu.
  • Xếp ngay ngắn vào vỉ hấp. Hấp cách thủy khoảng 15 phút.
  • Xếp trai hấp lá gừng ra đĩa dùng nóng chấm với tương ớt sẽ rất ngon.
Chúc các bạn thành công và ngon miệng!

Thứ Năm, 4 tháng 10, 2012

Làm đẹp và ẩm thực luôn có liên quan mật thiết với nhau. Không phải điều quá mới lạ nhưng việc kiểm soát khẩu phần ăn vẫn được nhiều người nhắc đi nhắc lại là yếu tố cốt lõi của quá trình giảm cân.



Chế ngự cơn thèm ăn (thậm chí cả khi bụng đã no) thực sự là một việc khó với cả người bình thường, không chỉ những người béo.
Đứng trước một bàn thức ăn ngon, cơ thể chúng ta thường nhanh chóng phát ra “tín hiệu” đói tới não nhưng lại khó hoặc chậm nhận ra cảm giác no. Sau đây là bốn mẹo giúp cơ thể bạn kịp thời nhận ra cảm giác no, từ đó hỗ trợ giảm cân hiệu quả.
Sử dụng bạc hà

Một chiếc kẹo bạc hà, một cốc trà bạc hà hoặc thậm chí là nước súc miệng bạc hà… tóm lại, hãy sử dụng bất cứ thứ gì có hương liệu bạc hà khi đã ăn đủ khẩu phần. Chúng sẽ làm sạch miệng, xóa đi vị thức ăn và loại bỏ cảm giác tiếp tục muốn ăn. Các chất tạo nên mùi vị của bạc hà có khả năng ức chế các hóc môn gây thèm ăn một cách tự nhiên, từ đó giúp bạn kiểm soát khẩu phần ăn và tránh những lần ăn vặt không đáng có.
Đứng dậy và đi lại
Sẽ rất khó để ăn thêm nếu bạn không còn ở gần thức ăn nữa. Vì vậy, khi muốn ăn thêm, bạn hãy đứng dậy và rời khỏi bàn ăn. Cách tốt nhất để cơ thể biết rằng đã đến lúc dừng ăn là thay đổi vị trí.
Bạn có thể chuyển từ phòng bếp ra phòng khách để gọt hoa quả cho cả gia đình hoặc pha trà, dọn dẹp, từ đó tránh cảm giác thèm ăn. Một lúc sau, bạn sẽ nhận ra rằng cơ thể đã no và hết cảm giác “đáng ghét” đó.
Ăn một chút đồ ngọt
Trong bữa ăn, khi các món đều có vị mặn thì một chút đồ ngọt có thể sẽ khiến bạn thấy “ngán” đồ ăn mặn. Bạn có thể để sẵn một số loại hoa quả ngọt như dưa hấu, lựu, cam, táo… và ăn chúng luôn khi đã ăn đủ khẩu phần. Điều này sẽ giúp bạn để kiểm soát việc ăn thêm.
Lên sẵn kế hoạch ăn nhẹ
Có sẵn kế hoạch ăn nhẹ sau bữa ăn sẽ giúp bạn dễ dàng đứng dậy khỏi bàn đầy thức ăn hấp dẫn với suy nghĩ: một chút nữa thôi mình sẽ lại được ăn tiếp. Vì vậy đừng ngần ngại lên cho một bữa ăn nhẹ thật ngon miệng, đẹp mắt với những thực phẩm lành mạnh.
Ngồi ăn chè tại không gian rộng rãi cũng tạo nên 1 nét văn hóa ẩm thực vỉa hè của Hà Nội rất đặc trưng.

Các bạn đã từng được thưởng thức rất nhiều món ăn liên quan tới sữa chua như sữa chua dẻo, sữa chua nếp cẩm... nhưng đã bạn nào được nếm thử món chè sữa chua mít chưa nhỉ? Sữa chua mít là 1 món “cực sốt” trong giới học trò tụi mình. Chúng tớ xin giới thiệu với các bạn 1 địa chỉ ăn sữa chua mít ngon thật ngon, mà rẻ thật rẻ. Đó là quán chè Hà Anh trên phố Bà Triệu.

Khi thưởng thức sữa chua mít, chỉ cần đưa lên miệng, bạn sẽ thấy ngay vị chua dịu và ăn rất mát. Trong bát có trân châu loại nhỏ (giống trong chè Thái), thạch rau câu nhiều loại và tất nhiên không thể thiếu những miếng mít xinh xinh. Đặc biệt, chủ quán cho thêm cả nước cốt dừa thơm ơi là thơm nữa chứ. Vì món ăn không bị quá ngọt, nên chúng tớ thấy có bạn gọi tới 2 bát chè cơ đấy.

Quán nằm ngay đầu con phố Bà Triệu, lượng người tới ăn rất đông. Tuy nhiên, bạn khỏi phải lo về việc không có chỗ để xe. Vì anh chủ quán đã thuê 1 đội ngũ dắt xe “hùng hậu”. Chỉ cần dừng tại quán là bạn đã có người dắt xe hộ mình rồi.
Chè Hà Anh bắt đầu mở cửa từ 10h. Nhưng từ lúc này cho tới 17h, các bạn chỉ có thể tới quán để gọi mang về, hoặc ngồi ăn trong ngõ thôi. Bắt đầu từ 17h-23h, chúng mình mới tha hồ ngồi “chém gió” với bạn bè ở ngoài vỉa hè được.
Ngoài ra, bọn mình còn có thể ở nhà gọi điện tới quán, quán sẽ giao hàng tận nơi nữa. Nếu đặt từ 20 cốc chè trở lên, quán sẽ miễn phí vận chuyển trong bán kính 3-4km. Còn với các bạn ở gần, trong bán kính 1km, các bạn có thể gọi chè mang về miễn phí vận chuyển.
Mực giòn mà không cứng, rau cải cũng giòn và giữ được màu xanh dùng làm món khai vị rất ngon tạo nét mới trong ẩm thực. Không mất nhiều thời gian chế biến, nhưng bạn sẽ có một món ăn thật tốt cho sức khỏe của gia đình. 

Nguyên liệu: 
  • 300gr mực lá 
  • 300gr bông cải xanh
  • 1 củ hành tây nhỏ 
  • 1 nhánh gừng nhỏ 
  • Muối, đường, giấm, dầu ăn, rượu trắng.
Cách làm:
  • Mực lá chọn con dày. Ngâm mực với nước có pha chút rượu trắng và muối cho bớt mùi tanh.
  • Vớt ra, để ráo, cắt thành những miếng có bề ngang 6cm, sau đó khứa vẩy rồng, cắt mực thành từng miếng vừa ăn.
  • Bông cải chọn loại còn xanh, cắt miếng vừa ăn, ngâm với nước có pha chút muối, vớt ra để ráo.
  • Hành tây cắt khoanh, xóc giấm, đường.
  • Gừng cắt sợi một phần, còn một phần đập dập.
  • Đun một nồi nước thật sôi, cho chút muối, giấm, dầu ăn, gừng đập dập.
  • Trụng mực đến khi thấy những miếng mực nở bung ra là được, bạn vớt ra, để ráo.
  • Đun một nồi nước khác, cho vào chút muối và dầu ăn; luộc bông cải chừng 5 phút.
  • Vớt ra, để ráo.
  • Trộn mực với bông cải, hành tây, giấm, muối và đường cho vừa ăn.
  • Xếp mực trộn bông cải ra đĩa, trên để mấy lát gừng. Ăn kèm với bánh phồng tôm.
Chúc các bạn thành công và ngon miệng!

Thứ Ba, 2 tháng 10, 2012

Trung tâm ẩm thực trà đạo HaiYih – số 4 Trần Quốc Toản – Đà Lạt đã sáng tạo ra các món ăn từ đọt trà giúp chị em ngày càng xinh đẹp, trẻ trung hơn như: trà tươi tẩm bột chiên, kẹo trà, bánh hạnh nhân trà, bánh bao trà, xíu muội trà, trà đông, trứng chiên trà…

Trà – với nam giới thường chỉ sử dụng để uống (trà nóng, trà đá…), bên tách trà, các quý ông có thể trầm ngâm, thư thái vừa thưởng thức trà, vừa nhâm nhi điếu thuốc. Nhưng với phụ nữ, do phải lo toan nhiều thứ: lo cho gia đình, ngoài ra còn công tác xã hội, văn phòng, cơ quan… nên ít có thời gian để ngồi thưởng thức trà như nam giới.
Với cuộc sống hiện đại như ngày nay, nam nữ bình quyền như nhau, vì thế người phụ nữ cũng cần phải chăm sóc, dành cho mình những gì tốt đẹp nhất. Đây cũng là những món ăn mang tính truyền thống của Việt Nam, rất dễ làm, lại sạch, đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Sau mỗi ngày làm việc căng thẳng, trở về nhà, chị em có thể dùng vài chiếc bánh bao trà, vài ly trà đông và thưởng thức ly trà nóng với viên xí muội trà, kẹo trà, chắc chắn sẽ giúp giảm đi sự mệt mỏi, căng thẳng trong người.

Chị Hà Thúy Linh – người nảy ra ý tưởng ẩm thực và làm đẹp từ trà cho biết: Với sản phẩm cao cấp trà oolong chị em có thể dùng để làm đẹp rất tốt. Ví dụ như lá trà, đọt trà có thể rửa sạch, ngâm muối, nấu sôi, rót ra ly, cho thêm một ít sữa tươi, vài giọt mật ong vào là có thể dùng để làm nước rửa mặt, một ngày rửa 2 lần, giúp làn da mịn màng, trắng sáng, giúp sát khuẩn cho da, và còn có thể giảm bớt mụn trên mặt.

Cũng có thể giảm stress bằng cách đun sôi 1kg trà búp tươi với 15 lít nước, sau đó rửa sạch, đun sôi, cho thêm một lít sữa tươi, một ít mật ong, đổ vào bồn tắm, ngâm mình trong vòng 45 phút ở nhiệt độ 45-50oC, tùy theo thể trạng của mỗi người có thể điều chỉnh độ nóng khác nhau, sau khi ngâm mình xong, toàn bộ phòng tắm sẽ bốc hơi trà rất thơm, giúp cơ thể thư giãn, sảng khoái giống như xông hơi vậy. Ngoài ra, trà oolong còn có chức năng trị các bệnh về da như: rôm sảy, dị ứng, nổi trái dạ… tắm liên tục trà oolong trong vòng 3 - 5 ngày giúp giảm bệnh, lành da, đặc biệt không để lại sẹo.

Khi uống trà xong, bã trà có thể dùng để hút hết mùi hôi trong tủ lạnh, mỗi tuần khử mùi một lần, giúp tủ lạnh của gia đình bạn sạch sẽ, vệ sinh hơn.
Với đôi chân của chị em làm việc ở công sở, mang giày thường xuyên, bạn có thể dùng nước trà oolong để ngâm chân từ 30 – 40 phút, giúp cho chân được thư giãn, hết mùi hôi, hết mồ hôi chân.
Trà được coi là đa công dụng, ngoài chức năng dùng để uống, trị các bệnh huyết áp, tim mạch, chống hôi miệng…. đặc biệt thích hợp với phụ nữ ở nhiều công dụng như đã nói ở trên.
Thịt bò vẫn được coi là một trong những tinh hoa của ẩm thực vì có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon. Amthuc365.vn xin giới thiệu với bạn một món ăn ngon miệng từ thịt bò.



Nguyên liệu
  • 500g thịt bò xay
  • 4 trái cà chua
  • 1 củ hành
  • 2 tép tỏi
  • 1 quả trứng gà
  • Vài cái nấm rơm, 1 bó hành lá hay ngò tây, 50g bột mì, 1 muỗng súp bột bắp
  • Dầu chiên, tiêu, muối, bột nêm, 1 muỗng cà chua hộp để có màu đỏ.

Cách làm:

  • Củ hành, tỏi băm nhỏ. Nấm cắt bỏ rễ, cũng băm nhỏ. Hành lá hay ngò tây, rửa sạch xắt nhỏ.
  • Để thịt bò vào trong tô lớn, ướp vào thịt muối, tiêu, trứng gà, 1/2 phần củ hành băm và hành lá, nấm và bột bắp. Trộn đều cho gia vị đều với thịt. Xong vo thịt thành những viên tròn, vừa miệng, đừng nhỏ quá hay to quá.
  • Xong lăn vào bột mì cho đều.
  • Bắc chảo lên bếp cho nóng, cho vào 2 muỗng súp dầu, đợi dầu nóng, bỏ thịt vào từ từ nhớ trở thịt đều tay, cho thịt đừng chín quá. Khi thịt vàng đều thì tắt lửa, đậy nấp.
  • Trong lúc đó chúng ta chuẩn bị xốt cà chua.
  • Bắc nồi lên bếp, cho dầu vào. Khi dầu nóng cho hành băm vào, xào hành cho hơi vàng, cho cà chua vào xào, cho gia vị vào muối, tiêu, bột nêm. Khi cà chua đã bắt đầu sền sệt thì đổ chút nước vào, nêm nếm cho vừa ăn.
  • Xong đổ xốt cà chua vào nồi thịt hầm tiếp cho đến khi bò viên chín.
  • Bò viên xốt cà chua này dùng với bánh mì hoặc cơm trắng.
Chúc các bạn thành công và ngon miệng!


Thứ Hai, 1 tháng 10, 2012

Món trộn từ lâu đã trở thành một nét ẩm thực của người Hà Thành và được nhiều người ưa thích. amthuc365.vn xin giới thiệu với bạn một số món trộn ngon miệng.

Món trộn có lẽ là một trong những khoái khẩu của người Hà Thành mỗi buổi chiều về. Thực đơn các món trộn cũng rất phong phú, đa dạng. Cùng điểm qua các món trộn hấp dẫn nhất.
1. Trộn riêu cua

Có lẽ đây là món trộn tiên phong và phổ biến nhất với người Hà Nội. Trước đây, món ăn chỉ đơn thuần gồm miến hoặc bánh đa chần cùng rau (rau muống, rau nhút) cho riêu cua vào, đổ thêm xì dầu nữa, trộn đều lên, vắt đôi ba quả quất, vậy là được một bát trộn ngon lành. Còn hiện nay, món ăn này được “mix” thêm khá nhiều đồ "lủng củng" nữa như đậu rán, giò tai, chả cá, thịt bò, thậm chí có nơi còn “sáng tạo” thêm cả… trứng cút khiến nó trở nên “tạp phí lù” và có vẻ mất đi hương vị chủ đạo. Hoặc có những nơi làm theo phong cách Hải Phòng thì đồ trộn riêu cua cũng phong phú hơn với chả lá lốt, tôm, mộc nhĩ...
Tuy nhiên, dù biến tấu đến mấy, đây vẫn là món dễ làm, dễ ăn. Bởi vậy, nó vẫn là khoái khẩu được các thực khách ưu ái.
2. Trộn lươn

Miến lươn là một trong những món quen thuộc của người Hà Nội. Từ khi các món trộn “bùng nổ” thì miến lươn trộn cũng trở thành khoái khẩu của nhiều thực khách.
Miến lươn trộn có ngon hay không chủ yếu phụ thuộc vào lươn khô. Ở đâu làm được loại lươn khô thơm giòn nhưng không bị cứng và vẫn có độ ngọt mềm nhất định, càng nhai càng đã miệng thì mới là chuẩn.
Miến lươn trộn cũng không cầu kỳ: miến chần trộn với thứ nước mắm chua ngọt, kết hợp cùng nước xào lươn béo ngậy, bỏ thêm chút hành phi, đu đủ, cà rốt dầm càng dễ ăn, hợp gu với cả người lớn lẫn trẻ em. Thích nhất là lươn khô nhai đến đâu giòn tan, thơm phức đến đó quyện vào trong từng sợi miến dai dai, ăn rất sướng miệng.
3. Trộn gà

Có lẽ không hợp dơ với bún, miến hay bánh đa, bởi vậy người Hà Nội đã chọn món trộn gà lí tưởng là phở. Các tiệm bán phở trộn cũng không nhiều, chỉ có vài quán và tập trung chủ yếu ở khu phố cổ.
Phở trộn gà muốn ngon, trước hết loại gà được chọn phải là gà ta "xịn", bằng không bánh phở vốn đã dễ "bứ" khi ăn khô, kèm thêm với loại thịt gà công nghiệp "bở bùng bục" nữa thì càng nhanh ớn. Thứ nước trộn phở cũng phải pha khéo hơn các món trộn khác, bởi phở chần, gà luộc đều đã nhạt, vì thế sự đậm đà, thơm ngậy phụ thuộc hoàn toàn vào bí quyết pha nước trộn. Có nơi tìm mua loại xì dầu đặc biệt, có nơi lại chọn nước mỡ gà để pha chế, tùy vào gu ăn uống mà mỗi thực khách sẽ có cảm nhận riêng để đánh giá thế nào mới là ngon, là chuẩn.
4. Trộn bò

Hẳn mọi người sẽ nghĩ ngay đến món bún bò Nam Bộ. Bún bò có ưu điểm là rất mát, thưởng thức vào mùa hè hay mùa đông đều hợp lí. Bún nguội nhưng thịt bò phải nóng hổi, vừa mời được xào "xèo xèo", thơm phức. Không chỉ có nước xào đậm đà, nước mắm chua chua ngọt ngọt cũng không thể thiếu; thêm giá đỗ, lạc, hành phi khiến món ăn vừa thơm ngọt vừa thú vị. Đặc biệt, thưởng thức bún bò bạn phải ăn thật nhiều rau sống như xà lách, tía tô, mùi... Có thế, mới đỡ ngán và cảm nhận hết được vị ngon mát của bún bò Nam bộ.
5. Trộn cá

Trên nền tảng là món bún cá thì các món miến, bánh đa trộn cá cũng ra đời. Những miếng cá rô đồng, cá trắm hay cá trôi đã lọc xương rán cho thơm giòn chính là điểm nhấn của món ăn này. Tùy nơi mà người ta thêm rau cải xanh, dọc mùng, giá đỗ, măng… làm rau ăn kèm. Hành phi, lạc cũng là thứ hay có. Món ăn này thường chỉ dùng xì dầu trộn, nên một bát nước dùng để “xì xụp” cùng cho đỡ khô khan là thứ không thể thiếu.
6. Trộn thịt heo

Có vẻ như thịt heo không được ưu ái trong thực đơn đồ trộn. Món trộn hiếm hoi với thịt heo mà cũng kén khách lắm đó là hủ tiếu khô. Hủ tiếu thực chất là món ăn của người miền Nam, ra đến đất Hà Thành nó cũng được "lai căng" đi nhiều. Nhưng dù cách điệu thế nào thì nó vẫn phải giữ được nền tảng là chế biến từ những sợi hủ tiếu và trộn cùng thịt xá xíu.
Sợi hủ tiếu rất giống với bánh đa trắng của người miền Bắc song dai mát hơn, nên để đơn giản hóa, nhiều quán ăn Hà Nội cũng sử dụng bánh đa trắng thay cho hủ tiếu. Còn thịt xá xíu thường được thái mỏng, có vị tẩm ướp rất đặc trưng. Một số nơi như quán hủ tiếu ở Trần Quốc Toản lại sáng tạo hơn, có loại thịt xá xíu tựa như thịt quay, rất giòn và béo. Quan trọng không kém trong món ăn là thứ nước trộn chua chua ngọt ngọt nhưng vẫn phải thơm ngậy. Rau sống ăn kèm sẽ làm món ăn mát và đỡ ngán.
7. Trộn... đủ thứ

Ngoài các món có "định hướng" rõ ràng như trên thì ở Hà Nội còn những quán trộn "tạp pí lù" hơn nhưng cũng rất ngon và được nhiều người yêu thích. Có thể kể đến như: mì chua ngọt Hàn Quốc trên phố Nguyễn Hữu Huân, miến trộn Thái Lan phố Nguyễn Biểu, bánh tráng trộn dốc Ngọc Hà, Mì Quảng phố Quang Trung... Tất cả đều là những món trộn đáng để bạn thưởng thức trong buổi chiều thu mát mẻ của Hà Nội.