Nhưng nếu bạn thích lang thang trên
phố, tự mình khám phá những món ẩm thực “bụi bặm” của xứ sở
cao nguyên, thì hãy hỏi ngay một người dân bản địa nào đó và
tìm đến những địa chỉ dân dã.
Nhưng nếu bạn thích lang thang trên phố, tự mình khám phá những món ẩm thực “bụi bặm” của xứ sở cao nguyên, thì hãy hỏi ngay một người dân bản địa nào đó và tìm đến những địa chỉ dân dã. Trong đó, bún đỏ - một món ăn ấn tượng và gợi tò mò ngay từ cái tên, xa lạ với nhiều người nhưng lại cực kì thân quen với người dân Ban Mê.
Món ăn “lạ” này có “nguồn gốc” từ sự biến tấu nhiều loại bún khác nhau, được những người bán hàng rong ở đây khéo léo thêm bớt các loại nguyên liệu, tạo nên một món bún mới thật khác biệt. Sợi bún đỏ to gần bằng chiếc đũa, nước lèo được nấu từ xương hầm, riêu cua được làm thịt cua đồng, thịt ba chỉ, tôm khô bằm nhỏ.
Điểm độc đáo nhất của món bún này chính là màu đỏ pha vàng của nước và sợi bún, khiến cho tô bún ánh lên những gam màu thật bắt mắt và hấp dẫn. Bí quyết của màu nước lèo ấn tượng này được người bán hàng bật mí là sự hòa trộn của hạt điều đỏ và gạch cua.
Một tô bún nóng hổi đầy ắp, điểm trên mặt là gạch cua, trứng cút, một ít tóp mỡ, thêm một chút mắm tôm tim tím màu hoa cà, ớt xay và rau cần trụng trong một buổi tối se lạnh đặc trưng cao nguyên sẽ là điều tuyệt vời nhất mà bạn có thể cảm nhận.
Chính sự kết hợp tưởng như đơn giản ấy lại tạo nên một hương vị lạ, ngọt, thơm, bùi và hăng hăng cực kì khó quên. Đúng với đặc trưng ẩm thực đường phố, bún đỏ “bắt vị” ngay với cả những người mới ăn lần đầu tiên.
Bún đỏ là món bình dân được yêu thích ở Buôn Ma Thuột, và bún đỏ ngon nhất cũng chỉ có thể ăn ở Buôn Ma Thuột. Ở đây có hẳn một con phố dành cho món ăn phổ biến này - Lê Hồng Phong nối với Phan Đình Giót, với trên chục hàng bún bày biện gọn ghẽ trên vỉa hè.
Chỉ bán vào buổi tối đến sáng hôm sau, bún đỏ là sự lựa chọn tuyệt vời cho những người bán hàng khuya, người đi làm về muộn, sinh viên hay những đôi tình nhân dạo đêm.