Tết đã đi vào tâm thức người Việt như
một phong tục đẹp mang âm hưởng của núi sông, dân tộc.Với bánh chưng
xanh, đào đỏ, mai vàng là biểu tượng không thể thiếu, nhưng có một thứ
quà tết cũng vô cùng quan trọng, đó là mứt tết.
Mứt là một trong những món quà tết không thể thiếu trong mỗi gia đình
Việt. Từ xa xưa, mỗi độ xuân về là các bà, các mẹ lại chuẩn bị bao
nguyên liệu để làm mứt tết. Mứt tết của người Việt vô cùng phong phú và
đa dạng thể hiện một bản sắc ẩm thực vô cùng độc đáo. Trong các loại mứt
tết thì quý và ngon nhất là mứt sen trần, ngoài ra còn có các loại khác
như: Mứt bí, mức gừng, mứt mận, mứt quất, mứt lạc (trứng chim), mút xu
hào, mứt hồng tàu, mứt cà chua… Một hộp mứt có 5 thứ gọi là ngũ vị, còn
10 thứ là mứt thập cẩm
Mứt sen ở đâu là ngon nhất, có lẽ là Hà Nội. Quả thật, những hạt sen khô từ mùa hè, có khi là từ năm trước được đem ninh nhừ, nhào đường vừa đủ ngấm hoàn toàn vào viên sen, không thừa đường ra phía ngoài, bị lấm tấm trắng vì đường kết tinh cái vỏ. Mỗi viên mứt sen ngọt sắc, nhưng mang màu vàng ươm, long lanh như viên ngọc màu vàng, rỗng phía giữa (chỗ cái tâm sen đã bị bỏ). Một chiếc đĩa con đựng mươi viên để tiếp khách, có chiếc tăm gác bên cạnh, sau này có lọai đĩa nhôm, đĩa mạ bạc để ăn mứt.
Mứt sen ngon, ngọt nhưng không thơm. Đi cùng nó không là nước vối, nước chè tươi mà chỉ có thể là chè khô (trước gọi là chè tầu) hoặc quý hơn nữa là chè mạn sen hảo hạng, mà người sành đã có câu ca: Làm trai biết đánh tổ tôm/Uống chè mạn hảo xem nôm Thuý Kiều. Mứt sen không thể ăn nhiều. Trẻ nhỏ có thể nắm một nắm mứt trứng chim cho vào túi vừa chơi, vừa ăn, mứt sen thì không. Vả lại mứt sen quý nên đắt, không thể thoả mãn với cái lưỡi ưa ngọt của người bé.
Cùng với mứt sen trần thì mứt gừng, mứt quất, mứt dừa cũng là những món quà không thể thiếu ngày tết. Cứ tầm đầu tháng, những củ gừng già tươi, những trái quất vàng ươm hay dứa trắng lại được các mẹ, các chị lựa chọn kỹ lưỡng để chuẩn bị làm mứt tết. Gừng được thái mỏng hình chữ nhật hoặc hình vuông, sau đó ngâm nước vôi trong hai ba giờ rồi trần qua nước sôi, để ráo. Gừng ướp với đường sau đó cho hỗn hợp đó vào đun nhỏ lửa, dùng đũa to đảo thật đều tay. Tới khi đường quyện lại, cho vanilla vào, đảo đều tới khi đường bám vào bề mặt miếng gừng tạo thành lớp bột màu trắng là được. Công đoạn là vậy nhưng để chế biến ra những túi mứt gừng, mứt quất vàng thơm ngon là bao công sức và tâm huyết. Chính vì vậy, những túi mứt làm quà tết mới trở lên ý nghĩa và quý giá đến nhường nào.
Xưa là vậy còn ngày nay, mứt vẫn là món quà quý trong những ngày tết của dân tộc Việt. Không những vậy, ngày càng xuất hiện thêm nhiều loại như mứt dừa, mứt na, mứt sầu riêng, mứt me nguyên quả.... làm phong phú hơn hương vị ẩm thực tết Việt. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội, đời sống của người Việt có nhiều biến đổi, mứt công nghiệp cũng vì thế xuất hiện nhiều. Mứt giả, mứt kém chất lượng lan tràn làm người tiêu dùng khó lựa chọn những hộp mứt làm quà tết mà thay vào đó là những hợp quà bánh khác. Tết Việt sẽ ra sao nếu thiếu đi những hộp mứt. Hãy giữ gìn và bảo tồn văn hóa mứt để hồn ẩm thực tết Việt mãi trường tồn và phát triển.