Cua đá rang muối, cua đá hấp sả, cua đá
nấu bún riêu, cháo… món nào cũng đặng, nhưng tuyệt sắc phải là muối cua
đá và canh săn rừng.
Khác với các loại cua sống ở biển, ở đầm và ở đồng ruộng, con cua đá thường sống trong các hốc đá trên suối ở miền núi.
Thịt cua đá thơm, chắc; chế biến được nhiều món ngon lạ, nhất là “phối” nó với gia vị của rừng.
Trong những tháng này, chúng tôi thường rủ rê nhau lên vùng rừng núi thôn Xuân Trung (xã An Xuân, Tuy An, Phú Yên) thăm thú; giăng cá, tắm suối, ăn rau rừng… Và đáng nhớ nhất là bắt cua đá. Theo dân bản địa thì hiện cua đá có nhiều nhất ở vùng này.
Cua đá mang sắc đỏ nâu, sống
trong hốc đá dưới những con suối lớn, nhỏ; trong vườn chuối, nương
rẫy... Chúng ăn côn trùng, lá rừng và sinh sản nhiều. Cua đá thường bằng
nắm tay, con lớn có khi bằng cái chén với hai càng to khoẻ.
Cua đá vừa được bắt từ dưới suối, tươi nguyên
Tha hồ chọn con mập mà bắt. Cua đá rừng chế biến nhiều món hấp dẫn nhưng theo anh bạn tôi, “loại cua này, mình nên làm những món có chút rừng rú mới ngon”. Thế là, trưa hôm đó, chúng tôi được thưởng thức những món cua đá chưa bao giờ được thưởng thức.
Cua nướng giã muối ớt làm đơn giản nhất. Chọn những con vừa nắm tay, nướng trên lửa than cho chín vàng, chọn phần thịt phía bụng đem giã nhuyễn với muối hột, ít bột ngọt, lá ngò tàu mọc ngoài bờ suối và ớt sim rừng. Chén muối cua này ăn với cơm nắm hay cơm nóng đều thơm lạ – ngon đến lớp cơm cháy cũng hết ráo.
Canh cua đá cũng là món độc đáo, nấu canh nên chọn những con cỡ vừa, loại này mềm, mau ngọt nước. Sau khi rửa sạch thân ngoài, bóc gạch vỏ, không rửa nước lã, có thể giã cho con cua giập sơ. Canh cua đá phải nấu với rau săn rừng mới nồng nàn. Rau này cũng mọc quanh bờ suối, chọn lá non, canh sôi thả săn rừng vào chừng năm phút – rau còn xanh bắc xuống mới ngon.
Cua đá rang muối, cua đá hấp sả, cua đá nấu bún riêu,
cháo… món nào cũng đặng, nhưng tuyệt sắc phải là muối cua đá và canh săn
rừng.