Thứ Sáu, 11 tháng 1, 2013

Nếu một lần đến Nhật, bạn sẽ ngạc nhiên và tự hỏi: Tại sao các nhà hàng của Nhật lại kỳ công chế biến những món ăn giả để trưng bày như vậy? Phải chăng đó là văn hóa của người dân nơi đây?

Xứ sở hoa anh đào nổi tiếng với những bộ môn nghệ thuật vô cùng tinh tế và độc nhất vô nhị. Dường như ở đất nước này, bất cứ thú hưởng thụ nào cũng có thể được nâng lên một đẳng cấp khác và trở thành nghệ thuật. Một trong số đó là Sampuru, hay nghệ thuật làm mô hình món ăn giống hệt như thật.
Bạn tự hỏi vì sao phải kỳ công làm những đồ ăn giả như thế? Nếu bạn từng đi du lịch nước ngoài, bạn sẽ hiểu tầm quan trọng của chúng. Thay vì nhìn vào một menu dày đặc chữ tiếng nước ngoài với những chiếc ảnh bé xíu khiến bạn chẳng thể quyết định gọi món nào, bạn được nhìn thấy một đĩa thức ăn giống hệt như thật, tươi rói và thậm chí còn có vẻ nóng hổi, để dễ dàng lựa chọn.

Ban đầu, người Nhật thường làm những món ăn thật để bày ở tủ kính. Tuy nhiên, những món ăn chỉ để bày này, sau đó không ai ăn và thường phải vứt đi. Nhận thấy sự lãng phí trong việc làm những món ăn bày tủ kính ngày này sang ngày khác, những người Nhật đã tìm ra giải pháp làm những mô hình đồ ăn như vậy để bày lâu dài.
Takizo Iwasaki là người đầu tiên làm ra các mẫu đồ ăn giả Sampuru. Ban đầu, anh phải tự đi rao bán những sản phẩm của mình trên một chiếc xe đạp. Sáng tạo của Iwasaki nhanh chóng giành được thành công trên thị trường Nhật Bản bởi hầu như tất cả các cửa hàng ở đất nước mặt trời mọc đều mua hàng của anh. Từ một doanh nghiệp nhỏ, Iwasaki phát triển thành một công ty lớn.

Đồ ăn giả thường được làm từ sáp, nhựa hoặc vinyl clorua và được chế tác vô cùng tinh tế, cầu kỳ. Nhìn vào các khay đựng thực phẩm mẫu trong các cửa hàng, nhiều người thậm chí còn không nghĩ rằng đó là đồ ăn giả bởi trông chúng quá giống thật và quá hấp dẫn, như gọi mời thực khách ghé chân.
Đó cũng chính là lý do vì sao mặc dù là đồ ăn giả nhưng giá của mỗi món sampuru lại đắt hơn nhiều lần so với món ăn thật.
Độc đáo hơn nữa, tại một số cửa hàng, còn có máy phân tích hàm lượng dinh dưỡng trong các món ăn. Mang các mô hình sampuru tới và chiếc máy sẽ cho bạn biết món ăn đó cung cấp bao nhiêu hàm lượng vitamin, khoáng và đạm…

Ngày nay, sampuru không chỉ gói gọn sau cửa kính của các quầy hàng mà đã trở thành một phần của văn hóa Nhật Bản. Người ta làm sampuru để đeo móc chìa khóa, giá kính, giá để điện thoại, đồ trang trí nhà bếp, đồ lưu niệm…
Mô hình Okonomiyaki này cho thấy các nguyên liệu để làm loại bánh truyền thống Nhật Bản bao gồm: tôm, ngao và mực. Ký hiệu phía trước sampuru cho biết bánh sẽ được làm theo phong cách của thành phố Kyoto, tức là các nguyên liệu sẽ được trộn đều với nhau.
Một số nhà hàng Âu ở Nhật Bản cũng bắt đầu sử dụng sampuru cho các món ăn của mình. Trong hình là mô hình một cốc bia với món nhắm ăn kèm.

Tagged: